Văn hóa & Thương hiệu: Bản hòa tấu giữa Hỗn Loạn và Trật Tự
- Quynh Nguyen
- 16 thg 3
- 4 phút đọc
Khi chiêm nghiệm về sự bí ẩn và phức tạp vô tận của vũ trụ, Carl Jung đã nhận ra và thấu hiểu sâu sắc rằng: “Trong mọi hỗn loạn, có một vũ trụ; trong mọi sự bất tuân trật tự, có một trật tự ngầm.” Tư duy này không chỉ mở ra một góc nhìn mới về sự cân bằng vi tế giữa hỗn loạn và trật tự tiềm ẩn của vũ trụ, mà còn đặt nền móng cho sự giao thoa sâu sắc giữa thương hiệu và văn hóa.
Văn hóa là một vũ trụ. Mâu thuẫn luôn song hành trong mỗi nền văn hóa: những hệ tư tưởng, truyền thống, và khát vọng. Người này không bắt buộc sai để người kia có thể đúng. Những suy nghĩ và tư tưởng đang tồn tại trong văn hóa cho chúng ta thấy rằng, không có một chân lý duy nhất chi phối tất cả các chân lý khác. Những mâu thuẫn và khác biệt này tồn tại song song, thường bổ sung cho nhau theo những cách bất ngờ, và thúc đẩy sự chuyển dịch văn hóa. Nếu chúng ta cố gắng chặn dòng chảy của văn hóa bởi những con đập cứng nhắc, nó sẽ trở thành những định kiến, loại bỏ đi sự vi tế và tính uyển chuyển linh hoạt của văn hóa nhân loại.

Mảnh đất màu mỡ của văn hóa nuôi dưỡng sự phát triển của thương hiệu. Thương hiệu xuất hiện như một sự phản hồi cho những mâu thuẫn văn hóa này, bằng cách hình thành một bản sắc có cấu trúc cho cá nhân, nhóm và doanh nghiệp. Thương hiệu khéo léo khai thác sức mạnh to lớn của văn hóa để thúc đẩy những mong muốn tự phát và nhu cầu tức thì.

Trong bối cảnh đối lập đó, thương hiệu chọn đứng về khía cạnh văn hóa có thể mang lại cho lợi thế doanh nghiệp. Thương hiệu không chỉ cố gắng kết nối với tệp khách hàng của họ mà còn muốn trở thành một phần nền tảng văn hóa.

Thương hiệu phản ánh dòng chảy của nhận thức con người. Chúng giống như những chiếc hộp thời gian, bảo tồn tinh thần của thời đại và bản chất văn hóa qua hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ. Thương hiệu là những làn sóng ngầm thúc đẩy và định hình những thay đổi trong quỹ đạo phát triển của văn hóa và xã hội. Các thương hiệu không chỉ phản chiếu văn hóa mà còn góp phần tái định hình những lý tưởng văn hóa đó.

Hỗn loạn và trật tự là hai động lực bổ sung và kiến tạo lẫn nhau. Trật tự sinh ra từ hỗn loạn, và hỗn loạn xuất hiện khi hệ thống trật tự trở thành hạn chế. Sự đối lập này chính là bản hòa tấu đẹp đẽ giữa hỗn loạn và trật tự. Bản thân văn hóa cũng chính là là sản phẩm của sự cân bằng này — vừa ngẫu nhiên và khó đoán, nhưng đồng thời cũng lại rất hệ thống và quen thuộc. Thương hiệu cũng là một phần của bản hòa tấu này.
Sự tái sinh của Fujifilm thông qua việc viết lại câu chuyện thương hiệu
Trong suốt nhiều thập kỷ, Fujifilm luôn đứng đầu trong ngành công nghiệp nhiếp ảnh, trở thành một trong những cái tên gắn liền với nghệ thuật nhiếp ảnh. Thành công của thương hiệu được xây dựng trên những sản phẩm phim chất lượng cao và sự thống trị trong ngành. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, cuộc cách mạng kỹ thuật số bắt đầu làm thay đổi thế giới nhiếp ảnh. Những chiếc máy ảnh kỹ thuật số và các công cụ chỉnh sửa bắt đầu thay thế phim truyền thống, thay đổi cách mọi người chụp và chia sẻ ảnh. Sự thay đổi này không chỉ là sự thay đổi về công nghệ; đó còn là một sự thay đổi văn hóa. Đây chính là hỗn loạn đối với sự kiên cố và truyền thống của thế giới nhiếp ảnh dùng phim.
Ban đầu, phản ứng đầu tiên của Fujifilm chính là sự do dự, nhưng không lâu sau, họ nhận ra rằng mình cần phải đón nhận sự thay đổi. Vào đầu những năm 2000, Fujifilm đã thực hiện một bước ngoặt quyết định, rời xa sự phụ thuộc nặng nề vào phim và bắt đầu khởi động cuộc cách mạng kỹ thuật số. Fujifilm bắt đầu tạo ra những chiếc máy ảnh Mirrorless và các sản phẩm kỹ thuật số chất lượng cao khác. Kết hợp giữa tinh hoa trong nhiếp ảnh truyền thống và công nghệ kỹ thuật số tiên tiến, họ tạo ra một thị trường riêng và biến mình thành một công ty công nghệ, trong khi chứng kiến đối thủ nặng ký của mình là Kodak dần mất đi đà tăng trưởng.

Điều thú vị hơn nữa là doanh số của họ vẫn tiếp tục tăng trưởng bất chấp sự suy giảm chung của thị trường máy ảnh kỹ thuật số do sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ máy ảnh trên điện thoại trong những năm gần đây.

Một thương hiệu bền vững với thời gian chính là một thương hiệu mang đặc tính của văn hóa - một thương hiệu có đủ sức mạnh để ôm trọn cả hỗn loạn và trật tự trong bản sắc của chính mình.
Comments