COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến thế giới vào năm 2020, thế nhưng, vẫn có những người cảm thấy rằng “Ở Việt Nam, mọi thứ vẫn có vẻ vẫn bình thường. Ngày thường ngoài đường, bạn vẫn có thể thấy mọi người đang tụ tập ở những hàng quán vỉa hè, thoải mái tận hưởng cái tiết trời dịu nhẹ cùng với những người bạn nhậu chí cốt. Vào cuối tuần, siêu thị bỗng trở nên đông nghịt khi người dân đổ dồn về để chuẩn bị mua sắm Tết, đông đến mức cảm tưởng bạn có thể dễ dàng chạm tới khuỷu tay của người bên cạnh. Ngay cả tại sân bay, không khí vắng vẻ hậu COVID mà chúng ta thường tưởng tượng cũng không hề xuất hiện.
Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng dương với tốc độ tăng trường đạt 2.91% vào năm 2020, giúp cho Việt Nam được lọt vào hàng ngũ các quốc gia có mức độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong năm 2020 và là nền kinh tế đứng thứ 4 ở Đông Nam Á với tổng giá trị GDP đạt 343 tỷ USD (chỉ đứng sau Philippines với tổng giá trị 367.4 tỷ USD, Thái Lan với tổng giá trị 509.2 tỷ USD, và Indonesia với tổng giá trị đạt 1,088.8 tỷ USD).

Nhưng nghiêm túc mà nói, liệu COVID-19 có bỏ qua Việt Nam trong tác động to lớn của nó trên toàn cầu không?
Tôi tin là không. COVID-19 là một cú hích nhẹ giúp chúng ta nhìn thấy rõ hơn cách mà văn hóa Việt Nam đang thay đổi. Những thay đổi này có thể không thể đo đếm được và thậm chí không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Những biến động văn hóa thường diễn ra trong im lặng.
Tại sao văn hóa lại dịch chuyển trong im lặng? Nó giống như cách mà chúng ta trưởng thành, chúng ta không bao giờ thực sự nhận thấy cho đến khi nó thành hình. Quá trình vận động và phát triển liên tục của những thay đổi tinh tế khiến chúng ta không nhận ra. Các phong trào văn hóa là một quá trình im lặng như vậy. Những người trong cuộc khó có thể cảm nhận được, và những người ngoài cuộc thì khó mà hiểu được.
COVID-19 đã mang đến cho chúng ta một khoảng lặng hợp pháp.

Là một quốc gia đang khao khát trở mình thành ngôi sao mới, lực lượng lao động trẻ của chúng ta đã làm việc chăm chỉ không ngừng nghỉ. Tỷ lệ kết hôn giảm, thời gian làm việc tăng và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống trở thành một câu hỏi khó. Đặc biệt là đối với những người trẻ tiến bộ ở thành thị. Tuy nhiên, trong vòng xoáy nỗ lực nhiều hơn để thành công nhanh hơn, bất chấp những lo lắng về tương lai, chúng ta vẫn cứ tiếp tục quay cuồng. Vì chúng ta sợ rằng nếu dừng lại, chúng ta sẽ bị tụt lại phía sau trong cuộc đua này.
Tôi không thể đếm được bao nhiêu cuộc trò chuyện tôi đã trải qua với bạn bè khi họ chia sẻ những lo lắng về bước đi tiếp theo và mục tiêu trong cuộc sống, thậm chí họ đã từng nghĩ đến việc bỏ việc, chỉ để rồi gạt bỏ như nỗi bận tâm không đáng có của những người ở độ tuổi 20. Câu hỏi đó vẫn mãi còn đó, nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục bước tiếp.
Cho đến khi COVID-19 mang đến cho tất cả chúng ta một khoảng dừng. Lần đầu tiên trong nhiều năm, nếu bạn dừng lại một chút, thì cũng không sao cả. Điều làm tôi ngạc nhiên là nhiều người bạn của tôi đã từ bỏ công việc của họ sau giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch COVID-19. Để bạn biết, họ là những người có thành tích xuất sắc và thậm chí có thể được coi là những người vượt trội trong công việc và vị trí của mình. Họ không phải là những người bị sa thải vì COVID-19, nhưng họ đã rời bỏ công việc để theo đuổi ước mơ, tiếp tục học hỏi, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, chăm sóc con cái, đi du lịch, hoặc đơn giản là nghỉ ngơi...

COVID-19 đã buộc chúng ta nhận ra sự mong manh của cuộc sống.
Trong những thời điểm căng thẳng của đại dịch COVID-19, khi số ca tử vong gia tăng, chúng ta nhận ra rằng cái chết có thể đến bất ngờ, và chúng ta không có vô hạn thời gian như chúng ta thường nghĩ. Một câu hỏi nghiêm túc được đặt ra: Điều gì mới thực sự quan trọng?
Điều gì thực sự quan trọng nếu chúng ta sống thêm một ngày nữa? Câu hỏi này có sức mạnh làm chậm lại cuộc đua mà chúng ta đang bị cuốn vào. Trong một xã hội mà việc theo đuổi thành công, giàu có và địa vị đôi khi có thể làm lu mờ sức khỏe và hạnh phúc của chính chúng ta, nó buộc chúng ta phải suy nghĩ về lý do tại sao chúng ta sống và những khía cạnh nào trong cuộc sống của chúng ta thực sự có ý nghĩa.
Dành nhiều thời gian hơn để từ từ thưởng thức một bữa ăn?
Tận hưởng một buổi tối yên bình bên con mèo của bạn?
Trò chuyện với bố mẹ mà không phải nhìn đồng hồ?
Kết nối lại với một người bạn cũ?
Trò chuyện vui vẻ mà không cần mục tiêu gì cụ thể?
Giải quyết một hiểu lầm?
Ngắm nhìn mưa rơi?
Viết tiếp cuốn sách còn chưa hoàn thành?
Khám phá một đất nước khác?
Bắt đầu một start-up mơ ước?
Sự ra đời của Văn Hóa Sống Chậm
Một sự thay đổi văn hóa âm thầm định hình—một sự thay đổi mang tính đối lập với nhịp sống nhanh, năng suất cao và sự vội vã không ngừng của cuộc sống hiện đại. Phong trào đang nổi lên này, Văn Hóa Sống Chậm , kêu gọi việc giảm tốc có chủ đích trong cuộc sống hàng ngày - ưu tiên chất lượng hơn số lượng, sự bình yên hơn tốc độ, kết nối hơn cạnh tranh và mục đích cuộc sống hơn thành tựu đơn thuần.
Văn hóa này sẽ được thể hiện trong các lĩnh vực như Ẩm thực, Thời trang, Giao thông, Các ảnh hưởng Triết học và cuối cùng sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong lối sống mới và mang trong mình tiềm năng trở thành một nền kinh tế mới.
Comments